Các chỉ báo kỹ thuật là một trong những công cụ cơ bản được sử dụng trong phân tích kỹ thuật để giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư mới, việc sử dụng các chỉ báo này có thể gây khó khăn. Vì vậy, để giúp các nhà đầu tư mới có thể tiếp cận và sử dụng các chỉ báo kỹ thuật dễ dàng hơn, bạn có thể tìm hiểu về các chỉ báo đơn giản như MA, MACD và RSI.
I. Chỉ báo xu hướng
Với các chỉ báo xác định xu hướng, bạn đầu tư có thể định hình được xu hướng chung của thị trường trong một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, các chỉ báo xu hướng cũng giúp nhà đầu tư xác định được mức độ mạnh yếu của xu hướng, giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn. Ngoài ra, các chỉ báo xác định xu hướng còn giúp bạn đánh giá được sự phù hợp của chiến lược đầu tư của mình với xu hướng chung của thị trường, đồng thời giúp đưa ra quyết định mua hoặc bán chính xác tại thời điểm phù hợp.
Dưới đây là một số chỉ báo xu hướng hiệu quả:
1. Chỉ báo MA, EMA,SMA
a. Đường MA trong chứng khoán là gì?
Đường MA (hay còn gọi là Moving Average) là đường trung bình động, thể hiện sự biến động về xu hướng của giá cổ phiếu trong một khoảng thời gian xác định.
Khi sử dụng đường MA, bạn sẽ theo dõi được sự vận động của giá cổ phiếu theo xu hướng tăng hoặc giảm hay không có xu hướng. Đường MA được xem là chỉ báo xu hướng chậm vì nó không có tác dụng để dự báo mà chủ yếu sử dụng để theo dõi trạng thái mức độ tăng, giảm mạnh yếu của cổ phiếu và được hình thành sau khi diễn biến giá đã được hình thành.
b. Cách sử dụng đường MA hiệu quả: MA5, MA20 và MA100
Tín hiệu mua:
- Nếu đường giá cổ phiếu vượt lên trên đường MA20 thì báo hiệu cổ phiếu có xu hướng tăng trong ngăn hạn.
- Nếu đường giá cổ phiếu vượt lên trên đường MA100 thì báo hiệu cổ phiếu có xu hướng tăng trong trung hạn.
- Nếu đường giá cổ phiếu vượt lên trên đường MA5 và đường MA5 vượt lên trên đường MA20 => thể hiện xu thế tăng giá trong ngắn hạn.
- Nếu đường giá cổ phiếu vượt lên trên đường MA20 và đường MA20 vượt lên trên đường MA100 =>thể hiện xu thế tăng giá trong trung hạn và dài hạn.
Chú ý cách cài đặt và sử dụng đường EMA, SMA giống như đường MA
2. Chỉ báo Bollinger Bands
a. Bollinger bands là gì?
Bollinger bands là một chỉ báo được cấu tạo từ đường trung bình động MA (Moving Average) và độ lệch chuẩn giá tạo thành dải băng Bollinger Band.
b. Cấu tạo Bollinger bands
Dải Bollinger gồm 3 phần chính, một đường trung bình động chu kỳ 20 ngày (SMA20) là đường nằm giữa và hai dải băng di động là dải trên, dải dưới được đặt tương ứng bên trên và bên dưới SMA20. Khi thị trường biến động mạnh, hai dải trên và dưới sẽ mở rộng ra và ngược lại, khi sự biến động yếu, độ rộng của hai đường sẽ thu hẹp lại tiến sát lại gần nhau.
II. Chỉ báo động lượng
Chỉ báo động lượng (Momentum Indicator) là một công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật, có công dụng giúp bạn đánh giá tốc độ và độ mạnh của xu hướng thị trường hiện tại. Chỉ báo này dựa trên việc so sánh giá hiện tại với giá trong quá khứ, từ đó đo lường được tốc độ thay đổi của giá. Các công dụng chính của chỉ báo động lượng gồm:
- Xác định đà tăng giá hoặc giảm giá
- Đánh giá độ mạnh của xu hướng
- Xác định điểm đảo chiều của thị trường
Dưới đây là một số chỉ báo động lượng hiệu quả:
1. Chỉ báo Stochastic hoặc chỉ báo Stochastic RSI
Stochastic là một chỉ báo được dùng trong PTKT nằm trong khoảng từ 0 đến 100 và được tạo ra để đo lường động lượng tăng giảm của cổ phiếu.
a. Ứng dụng Chỉ báo Stochastic hoặc chỉ báo Stochastic RSI
- Chỉ số stochastic trên 80 là quá mua và dưới 20 là quá bán
- Mua quá mức không nhất thiết giả sẽ đảo chiều đi xuống và bán quá mức cũng không nhất thiết giá sẽ đảo chiều đi lên. Thay vào đó mức quá mua và quá bán chỉ đơn giản là mức cảnh báo cho nhà đầu tư giá đang ở vùng cực điểm nên quan sát nhiều hơn => sau đó đưa ra quyết định đúng đắn.
2. Chỉ báo RSI
Chỉ số sức mạnh tương đối – RSI (relative strength index) là một trong những chỉ báo động lượng (đo lường quán tính và mức độ thay đổi của giá cổ phiếu) được sử dụng rộng rãi trên thị trường chứng khoán việt nam nhất là trong trường phái phân tích kỹ thuật.
a. Nhận biết vùng quá mua-quá bán
Chỉ báo RSI được thiết kế để giá trị dao động quanh ngưỡng 0-100. Trong đó, có hai vùng giá trị quan trọng của RSI là: vùng quá mua và vùng quá bán
– Vùng quá mua: được xác định là khu vực phía trên ngưỡng 70 của đường RSI. Khi này, lực mua cổ phiếu đang rất mạnh, đẩy giá cổ phiếu vượt xa mức giá trị nội tại nên có khả năng giá sẽ đảo chiều giảm.
=> ta có tín hiệu bán: khi cổ phiếu đang ở vùng quá mua, sau đó đường RSI cắt xuống dưới ngưỡng 70 => Bạn nên chốt lời chủ động.
– Vùng quá bán: được xác định là khu vực phía dưới ngưỡng 30 của đường RSI. Lúc này, cổ phiếu đang bị bán mạnh, có thể khiến giá rới xuống dưới mức giá hợp lý của chính nó nên có khả năng giá sẽ đảo chiều tăng.
=> ta có tín hiệu mua: khi cổ phiếu đang ở vùng quá bán, sau đó đường RSI cắt lên trên ngưỡng 30 =>cho bạn tín hiệu có thể mở mua.
Các ngưỡng 30-70 trên chỉ mang tính tương đối và sẽ thay đổi tùy từng điều kiện thị trường và từng cổ phiếu. Ví dụ như khi cổ phiếu đang trong xu hướng tăng mạnh thì các mức quá mua-quá bán có thể điều chỉnh lên thành 80-40 và khi cổ phiếu đang trong xu hướng giảm mạnh thì các mức quá mua-quá bán có thể điều chỉnh thành 60-20.
Kết luận
Trong phân tích kỹ thuật, sử dụng các chỉ báo là một trong những cách để đưa ra quyết định đầu tư chính xác. Trong bài viết này, chúng ta đã giới thiệu một số chỉ báo kỹ thuật dễ sử dụng cho nhà đầu tư mới, bao gồm các chỉ báo xu hướng và chỉ báo động lượng.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng phân tích kỹ thuật không phải là phương pháp hoàn hảo và không thể đưa ra quyết định đầu tư chính xác 100%. Để trở thành một nhà đầu tư thành công, chúng ta cần phải kết hợp các phương pháp phân tích khác như phân tích cơ bản, đồng thời cần có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính.
Với những kiến thức cơ bản này, hy vọng rằng nhà đầu tư mới có thể bắt đầu tìm hiểu và áp dụng phân tích kỹ thuật vào quyết định đầu tư của mình một cách chính xác và hiệu quả.