Chỉ số sức mạnh tương đối – RSI (relative strength index) là một trong những chỉ báo động lượng (đo lường quán tính và mức độ thay đổi của giá chứng khoán) quan trọng và được áp dụng rộng rãi trong phân tích kỹ thuật.
Thông thường, có hai cách áp dụng chính của chỉ báo RSI vào giao dịch mua bán chứng khoán, bao gồm: tín hiệu quá mua-quá bán và tín hiệu phân kỳ.
Tín hiệu quá mua – quá bán
Chỉ báo RSI được thiết kế để giá trị dao động quanh ngưỡng 0-100. Trong đó có hai vùng giá trị quan trọng của RSI là: vùng quá mua và vùng quá bán.
– Vùng quá mua: thường được xác định là khu vực phía trên ngưỡng 70 của đường RSI. Khi này, lực mua cổ phiếu đang quá mạnh, đẩy giá cổ phiếu vượt xa mức giá hợp lý nên có khả năng giá sẽ đảo chiều giảm.
- Từ đó ta có tín hiệu bán: khi cổ phiếu đang ở vùng quá mua nhưng sau đó đường RSI cắt xuống dưới ngưỡng 70
– Vùng quá bán: thường được xác định là khu vực phía dưới ngưỡng 30 của đường RSI. Lúc này, cổ phiếu đang bị bán quá mạnh, có thể khiến giá rới xuống dưới mức cân bằng nên có khả năng giá sẽ đảo chiều tăng.
Từ đó ta có tín hiệu mua: khi cổ phiếu đang ở vùng quá bán nhưng sau đó đường RSI cắt lên trên ngưỡng 30.
Tuy nhiên các ngưỡng 30-70 trên chỉ là tương đối và sẽ thay đổi tùy từng điều kiện thị trường và từng cổ phiếu. Ví dụ như khi cổ phiếu đang trong xu hướng tăng mạnh thì các mức quá mua-quá bán có thể điều chỉnh lên thành 80-40 và khi cổ phiếu đang trong xu hướng giảm mạnh thì các mức quá mua-quá bán có thể thay đổi thành 60-20.
Tín hiệu phân kỳ của RSI
Phân kỳ có thể hiểu đơn giản là hiện tượng giá chứng khoán và chỉ báo kỹ thuật di chuyển không cùng chiều. Cụ thể như sau:
– Phân kỳ dương: xảy ra khi cổ phiếu giảm giá và tạo đáy sau thấp hơn đáy trước, trong khi đó đường RSI lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước.
– Phân kỳ âm: xảy ra khi cổ phiếu tăng và tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, tuy nhiên đường RSI lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
Cần lưu ý rằng hiện tượng phân kỳ chủ yếu cho thấy xu hướng hiện tại đang có dấu hiệu suy yếu chứ không phải là tín hiệu chắc chắn rằng xu hướng sẽ đảo chiều. Vì vậy cần kết hợp tín hiệu phân kỳ của RSI thêm với các tín hiệu đảo chiều đến từ các mô hình giá trên biểu đồ hoặc chỉ báo kỹ thuật khác để tăng xác suất thành công. Chi tiết như sau:
Phân kỳ dương
Phân kỳ dương của RSI: báo hiệu xu hướng giảm của cổ phiếu đang yếu dần, lúc này chúng ta nên hạn chế các giao dịch theo chiều bán và chỉ nên tham gia mua khi có thêm các tín hiệu xác nhận đảo chiều xu hướng giảm thông qua các mô hình trên biểu đồ giá. Ví dụ với cổ phiếu DCM trong hình bên dưới, tín hiệu phân kỳ dương xuất hiện tại phiên ngày 25/1/2022, cho thấy xu hướng giảm đang yếu dần, và tín hiệu mua hoàn tất khi đường MA5 cắt lên trên đường MA20 trong phiên ngày 14/2/2022
Phân kỳ âm
Phân kỳ âm của RSI: báo hiệu xu hướng tăng của cổ phiếu đang yếu dần, lúc này chúng ta nên hạn chế các giao dịch theo chiều mua và chỉ nên bán cổ phiếu khi có thêm các tín hiệu xác nhận đảo chiều xu hướng tăng thông qua các mô hình trên biểu đồ giá. Ví dụ đối với cổ phiếu MBB trong hình bên dưới, cổ phiếu này đã xuất hiện tín hiệu phân kỳ âm tại phiên ngày 30/6/2021, cho thấy xu hướng tăng có dấu hiệu yếu dần, và tín hiệu bán hoàn tất khi xuất hiện một cây nên đỏ dài xuyên thủng đường MA20 trong phiên ngày 6/7/2021.
Mở tài khoản chứng khoán VPS – Tham gia cùng Đầu Tư Từ Đâu để luôn được cập nhật các cổ phiếu khỏe nhất thị trường
Xem chi tiết Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu