Giá trị hợp lý là gì
Giá trị hợp lý của một tài sản có thể hiểu là mức giá mà tài sản đó có được trao đổi thông qua một giao dịch ngang giá và tự nguyện giữa các bên có hiểu biết.
Để xác định giá trị hợp lý của một tài sản tài chính, chúng ta có thể dựa vào các giao dịch trong quá khứ của các tài sản tương tự. Trong trường hợp không tồn tại tài sản tương tự hoặc không có giao dịch để so sánh thì có thể xác định giá trị hợp lý thông qua các mô hình giá dựa trên thu nhập kỳ vọng mà tài sản đó có thể mang lại cho chủ sở hữu trong tương lai.
Việc tính toán giá trị hợp lý mang nhiều tính chủ quan và phụ thuộc vào các giả định trong tương lai nên mỗi nhà đầu tư có thể sẽ đưa ra các mức giá trị hợp lý khác nhau cho cùng một tài sản.
Ý nghĩa của giá trị hợp lý trong hoạt động đầu tư
Đối với hoạt động đầu tư, giá trị hợp lý đóng vai trò như là thước đo giá trị thực của một tài sản đầu tư. Lúc này giá trị hợp lý cũng chính là giá trị nội tại của tài sản, là giá trị khoản thu nhập mà tài sản có thể mang lại cho nhà đầu tư trong tương lai.
Giá trị hợp lý của tài sản không phải lúc nào cũng được phản ánh chính xác trên thị trường giao dịch. Về mặt cơ bản, nhà đầu tư sẽ so sánh giữa giá trị hợp lý và giá thị trường của một tài sản (như cổ phiếu) để đưa ra các quyết định mua, bán thích hợp.
- Nếu như giá trị hợp lý của tài sản cao hơn so với giá trị thị trường thì lúc này tài sản đó đang được thị trường định giá ở mức thấp hơn so với giá trị thực, và khi mức chênh lệch này đủ hấp dẫn thì nhà đầu tư có thể mua vào.
- Trường hợp ngược lại, giá trị hợp lý của tài sản thấp hơn so với giá trị thị trường thì lúc này tài sản đang được thị trường định giá cao hơn so với giá trị thực, do vậy nhà đầu tư có thể cân nhắc bán tài sản đó.