Mỗi doanh nghiệp đều có vòng đời riêng từ lúc thành lập, phát triển và suy thoái. Mỗi giai đoạn đều có những đặc tính, cơ hội và thách thức riêng. Vì thế NĐT cần hiểu được doanh nghiệp đang trong giai đoạn nào để ra quyết định đầu tư phù hợp.
Các giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn 1: Khởi nghiệp và xây dựng
- Giai đoạn 2: Phát triển
- Giai đoạn 3: Trưởng thành
- Giai đoạn 4: Sau Trưởng thành
Giai đoạn 1: Khởi nghiệp và xây dựng
Đây là giai đoạn chủ doanh nghiệp lên kế hoạch xây dựng mô hình kinh doanh, tầm nhìn và sứ mệnh khi nắm bắt được cơ hội kinh doanh nào đó.
Trong giai đoạn đầu của vòng đời doanh nghiệp, công việc kinh doanh khá khó khăn, doanh thu, lợi nhuận thấp. Mục đích là tạo nên một nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp, tạo dòng tiền ổn định. Nếu doanh nghiệp thiết lập và xây dựng kế hoạch tốt trong giai đoạn này thì cơ hội phát triển thành công sẽ rất triển vọng.
Giai đoạn 2: Phát triển
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ liên tục gia tăng số lượng khách hàng thường xuyên. Doanh số bán hàng tăng trưởng đều và dòng tiền luôn tích cực. Lúc này doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo, đồng thời đảm bảo đầu tư đầy đủ trang thiết bị và nhân sự để sản xuất và cung cấp dịch vụ nhằm tạo uy tín thương hiệu. Đây chính là giai đoạn bùng nổ lợi nhuận của doanh nghiệp.
Giai đoạn 3: Trưởng thành
Giai đoạn trưởng thành bắt đầu khi doanh thu đạt đến mức đủ lớn. Doanh nghiệp đang nắm bắt một lượng khách hàng lớn và dòng tiền ổn định thường xuyên, tuy nhiên những thay đổi trong chiến lược kinh doanh sẽ chậm hơn với những kế hoạch dài hơi và chi tiết hơn. Mục tiêu chính của giai đoạn trưởng thành là duy trì mức lợi nhuận ở mức cao với trọng tâm là quản lý marketing và tài chính.
Giai đoạn 4: Sau trưởng thành
Giai đoạn cuối cùng của chu kỳ vòng đời doanh nghiệp hàm chứa 3 khả năng có thể xảy ra:
- Làm mới: mở rộng lĩnh vực tăng trưởng hoặc phát hành sản phẩm/dịch vụ mới làm tăng doanh thu và lợi nhuận
- Trạng thái ổn định: Duy trì trạng thái trưởng thành liên tục
- Suy thoái: Doanh thu và lợi nhuận bắt đầu giảm, chi phí tăng. Sản phẩm/ dịch vụ không bán được hoặc ít người quan tâm sử dụng do yếu tố khách quan. Nếu quá trình phục hồi không thành công thì công ty sẽ giải thể, kết thúc một chu kỳ kinh doanh.