Trong giao dịch forex, bên cạnh kỹ năng phân tích thì quản lý vốn cũng là một kỹ năng không thể thiếu của bất kỳ một trader nào. Kỹ năng quản lý vốn tốt sẽ giúp trader tối đa hóa lợi nhuận và hạn chế được rủi ro nhất có thể. Có rất nhiều lý do khiến cho một trader nhanh chóng thất bại trên thị trường forex, trong đó, không có kiến thức quản lý vốn hoặc xem nhẹ vấn đề này là một trong số những lý do tồn tại ở phần lớn số trader thất bại đó.
10 mẹo quản lý vốn hiệu quả hàng đầu trong forex
Các bạn đã được tìm hiểu về công thức Kelly, một nguyên tắc quản lý vốn nổi tiếng trong đầu tư tài chính thì lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một công cụ cũng hiệu quả không kém, đó là quy tắc quản lý vốn 2%.
Quy tắc quản lý vốn 2% là một trong số những nguyên tắc quản lý vốn và quản trị rủi ro hiệu quả, được hầu hết các trader chuyên nghiệp sử dụng trong các giao dịch của mình trên thị trường tài chính, đặc biệt là forex.
Nếu các bạn đã nhận thức được tầm quan trọng của quản lý vốn, quản trị rủi ro trong forex thì không thể bỏ qua những nội dung dưới đây, quy tắc 2% sẽ giúp các bạn có thêm một công cụ để quản lý vốn hiệu quả trên thị trường này.
Quy tắc quản lý vốn 2% là gì?
Quy tắc quản lý vốn 2% là một nguyên tắc giao dịch, theo đó, nhà đầu tư chỉ cho phép mình thua lỗ tối đa 2% trên số dư của tài khoản ở mỗi lệnh.
Nếu công thức Kelley chỉ cho bạn nên đầu tư số vốn bao nhiêu cho mỗi giao dịch để tối đa hóa lợi nhuận trong dài hạn thì quy tắc quản lý vốn 2% cũng sẽ giúp các bạn tính ra được số vốn cần bỏ ra là bao nhiêu nhưng là để giới hạn số tiền thua lỗ ở mức cố định, trong trường hợp này là 2%/số dư tài khoản.
Nếu tài khoản giao dịch của bạn hiện tại có số dư là 1,000$ và bạn đang có kế hoạch sẽ đặt một lệnh Buy trên cặp EUR/USD. Theo quy tắc quản lý vốn 2% thì mức độ rủi ro tối đa mà bạn chấp nhận cho giao dịch này sẽ là 1,000$x2% = 20$. 20$ là số tiền tối đa mà bạn sẽ mất đi nếu giao dịch thất bại chứ không phải là số vốn mà bạn sẽ bỏ ra cho giao dịch này.
Xác định được số tiền thua lỗ tối đa cho phép, trader sẽ tính ra được khối lượng giao dịch của lệnh, từ đó xác định số vốn đầu tư ban đầu hay số tiền ký quỹ dựa vào tỷ lệ đòn bẩy của tài khoản. Cách tính cụ thể sẽ được trình bày ở phần sau.
Tại sao là con số 2%?
Các bạn đã từng nghe đến nguyên tắc trong đầu tư như “Phải sống trước đã rồi mới nghĩ đến chuyện làm giàu” hay “Còn tiền là còn sống” thì trong quy tắc quản lý vốn 2% cũng vậy, phải có tiền trong tài khoản thì mới kiếm được lợi nhuận. Tuy nhiên, để có tiền trong tài khoản không phải là việc chúng ta liên tục thua lỗ và nạp thêm tiền vào tài khoản mà là giữ cho tài khoản luôn được duy trì ở mức rủi ro thấp.
Tại sao con số 2% là hợp lý?
Giả sử các bạn không may mắn và thua 10 lệnh liên tiếp, số tiền thua lỗ của 10 lệnh đó khi sử dụng quy tắc quản lý vốn 2% là 20% thì các bạn vẫn còn đến 80% số dư để tiếp tục giao dịch, đây là một tỷ lệ để chúng ta không cảm thấy quá áp lực khi liên tục thua lỗ.
Hãy thử với một con số cao hơn, 3%, thua 10 lệnh liên tiếp, mất 30%, tỷ lệ này sẽ khiến chúng ta dễ phát sinh ý nghĩ tiêu cực rằng mình đã thua gần 1/3 tài khoản, chắc chắn áp lực sẽ đè nặng tâm lý giao dịch. Đối với các trader lướt sóng hay day trader, 10 lệnh trong một ngày là điều rất bình thường và nếu như ngày đó là một ngày đen tối đối với họ (tất cả 10 lệnh đó đều thất bại) thì các bạn cũng có thể hình dung ra con số 30%/tài khoản bị thua lỗ sẽ nghiêm trọng như thế nào rồi chứ? Chính vì thế, rất nhiều trader chuyên nghiệp, các scalper hay day trader thậm chí còn không bao giờ để thua lỗ trên 1%.
Áp dụng quy tắc quản lý vốn 2% vào giao dịch forex
Một số lưu ý khi sử dụng quy tắc quản lý vốn 2%
Mục tiêu cuối cùng của quy tắc quản lý vốn 2% là giới hạn số tiền thua lỗ tối đa cho mỗi lệnh ở mức 2%/số dư tài khoản, và điều mà trader phải làm là xác định khối lượng giao dịch cho mỗi lệnh để nếu thị trường đi ngược xu hướng dự đoán, khi lệnh chạm stop-loss, trader chỉ mất đúng số tiền đó.
Trước khi đi vào cụ thể các bước áp dụng quy tắc quản lý vốn 2%, các bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phí commission và phí swap có thể được đưa vào số tiền thua lỗ tối đa của quy tắc quản lý vốn 2%.
Trong forex, nếu giao dịch thất bại, trader sẽ bị thua lỗ do lệnh đi ngược lại xu hướng của thị trường, bên cạnh đó, tài khoản của trader cũng sẽ bị trừ đi các khoản phí khác như commission hay swap. Chính vì thế, tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro, mỗi trader sẽ sử dụng quy tắc quản lý vốn 2% theo mỗi cách khác nhau. Có người sẽ không tính commission hoặc phí swap (chỉ áp dụng cho các lệnh qua đêm) vào tỷ lệ 2% đó nhưng có người sẽ tính.
Thông thường, các trader chuyên nghiệp, giao dịch khối lượng lớn sẽ tính 2 loại chi phí này vào nhưng các trader nhỏ, vốn ít thường bỏ qua do các loại phí này chiếm tỷ lệ rất thấp khi giao dịch khối lượng nhỏ.
Vì cách tính phí swap có phần hơi phức tạp, nên trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi sẽ bỏ qua và chỉ trình bày 2 trường hợp: có tính phí commission và không tính phí commission.
Thứ hai, có 2 cách tiếp cận quy tắc quản lý vốn 2%
Số tiền thua lỗ tối đa = Số dư tài khoản * 2%
Có 2 cách để trader tiếp cận quy tắc quản lý vốn 2% này:
- Số tiền thua lỗ tối đa được tính trên số dư tài khoản ban đầu (số tiền nạp vào tài khoản lần đầu tiên)
- Số tiền thua lỗ tối đa được tính trên số dư tài khoản hiện tại.
Giả sử tài khoản của trader có số dư ban đầu là 1,000$. Theo cách tiếp cận thứ nhất, số tiền thua lỗ tối đa cho một lệnh luôn được cố định là 20$ tại bất kỳ thời điểm nào. Với cách thứ hai, giả sử sau một thời gian giao dịch, số dư tài khoản chỉ còn 800$ thì số tiền thua lỗ tối đa cho một lệnh lúc này là 2% * 800$ = 16$.
Nếu đặt nhiều lệnh cùng lúc thì sao?
Trong trường hợp trader mở nhiều vị thế cùng lúc thì có thể áp dụng quy tắc tổng rủi ro cho tất cả các lệnh (hay danh mục đầu tư) là 20%/số dư tài khoản.
Mỗi trader có thể lựa chọn cách tiếp cận khác nhau, phụ thuộc vào sở thích và mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi người. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày cách tiếp cận đầu tiên.
Thứ ba, kiến thức cần nắm trước khi sử dụng quy tắc quản lý vốn 2%.
Kiến thức quan trọng nhất mà các bạn cần nắm để sử dụng được nguyên tắc này chính là cách tính pip và giá trị của pip trong forex. Giá trị của pip sẽ liên quan trực tiếp đến công thức tính lợi nhuận và thua lỗ trong giao dịch forex. Đối với các trader không sử dụng các nguyên tắc quản lý vốn, quản trị rủi ro thường sẽ không quan tâm đến những kiến thức này vì lợi nhuận hay thua lỗ đều đã được phần mềm giao dịch tính sẵn cho họ.
Tuy nhiên, để sử dụng được quy tắc 2% này, các bạn cần nắm vững cách tính pip và giá trị của pip.
Cách tính giá trị của pip trong forex được tóm tắt như sau:
- Đối với cặp XXX/USD, 1 pip = 0.0001 USD
- Đối với cặp USD/XXX, 1 pip = 0.0001 XXX = (0.0001/tỷ giá) USD
- Đối với cặp USD/JPY, 1 pip = 0.01 JPY = (0.01/tỷ giá) USD
- Đối với cặp XXX/JPY, 1 pip = 0.01 JPY = (0.01/tỷ giá) XXX
Để hiểu rõ hơn về các công thức này, các bạn có thể tham khảo bài viết: Pip là gì? Cách tính giá trị của pip trong giao dịch forex.
5 bước áp dụng quy tắc quản lý vốn 2%
Ví dụ 1: tài khoản giao dịch của bạn có số dư 1,000$. Chiến lược giao dịch của bạn cung cấp các thông tin vào lệnh như sau:
- Lệnh Buy cặp GBP/USD
- Vào lệnh tại mức giá 1.29100
- Stop-loss tại 1.28800
- Take-profit tại 1.30000
Nhiệm vụ của các bạn chính là xác định khối lượng giao dịch của lệnh để thỏa mãn quy tắc quản lý vốn 2%.
- Trường hợp 1: không tính phí commission
- Trường hợp 2: có tính phí commission, giả sử mức phí là 7$/lot/2 chiều
Bước 1: Xác định số tiền thua lỗ tối đa ứng với 2%/số dư tài khoản
- Trường hợp 1: số tiền thua lỗ tối đa = 2% * 1,000$ = 20$
- Trường hợp 2: số tiền thua lỗ tối đa = 2% *1,000$ = 20$.
Bước 2: Tính số pip thua lỗ
Số pip thua lỗ được tính bằng khoảng cách từ điểm vào lệnh đến điểm stop-loss.
Với các thông số vào lệnh ở trên thì thua lỗ tối đa là 30 pips, lợi nhuận là 90 pips. Tỷ lệ Risk:Reward của lệnh này là 1:3
Bước 3: Tính giá trị của số pip thua lỗ
- Trường hợp 1: số tiền thua lỗ tối đa = giá trị của số pip thua lỗ = 20$
- Trường hợp 2: số tiền thua lỗ tối đa = giá trị của số pip thua lỗ + phí commission = 20$
Giá trị của 1 pip trên 1 lot cặp GBP/USD là 10$. Suy ra, giá trị của 30 pips nếu giao dịch 1 lot GBP/USD là 300$.
Bước 4: Tính khối lượng giao dịch
Gọi A là khối lượng giao dịch cần xác định, suy ra, giá trị của 30 pips thua lỗ khi giao dịch A lots sẽ là 300*A ($) và phí commission khi giao dịch A lots là 7*A ($).
Vậy thì, số tiền thua lỗ tối đa của lệnh trong 2 trường hợp được xác định như sau:
- Trường hợp 1: 20$ = 300*A, suy ra A = 0.06666667 lots, làm tròn 0.07 lots.
- Trường hợp 1: 20$ = 300*A + 7*A = 307*A, suy ra A = 0.06514658 lots, làm tròn 0.07 lots.
Cả 2 trường hợp đều cho ra kết quả xấp xỉ 0.07 lots. Chính vì thế, đối với trader vốn ít, giao dịch khối lượng nhỏ, các bạn có thể bỏ qua commission khi sử dụng quy tắc 2% này để tính toán dễ dàng hơn.
Bước 5: Thực hiện lệnh
Sau khi xác định được khối lượng giao dịch thì các bạn có thể vào lệnh Buy 0.07 lots GBP/USD tại mức giá 1.29100, stop-loss tại 1.28800 và take-profit tại 1.30000.
Nếu giao dịch thất bại, các bạn thua lỗ xấp xỉ 2%/số dư tài khoản, sai số này là do làm tròn khối lượng giao dịch ở bước 4.
Ví dụ 2: cũng với các thông tin trên, nhưng ở ví dụ này, chúng tôi sẽ áp dụng quy tắc 2% trên tài khoản có số dư lớn (100,000$), để các bạn thấy sự khác biệt giữa 2 trường hợp.
- Bước 1: Số tiền thua lỗ tối đa của lệnh = 100,000$*2% = 2,000$
- Bước 2: Số pip thua lỗ tối đa là 30 pips.
- Bước 3: Giá trị của số pip thua lỗ = 300$/lot
- Bước 4: Khối lượng giao dịch
Trường hợp 1: Số tiền thua lỗ tối đa = 2,000$ = 300*A, suy ra A = 6.67 lots
Trường hợp 2: Số tiền thua lỗ tối đa = 2,000$ = 307*A, suy ra A = 6.51 lots
Chênh lệch 0.16 lots không phải là một khối lượng nhỏ.
Kết luận
Quy tắc quản lý vốn 2% được rất nhiều trader chuyên nghiệp áp dụng cho các giao dịch của mình thì không có lý do gì để một trader mới gia nhập thị trường như chúng ta còn hoài nghi. Mặc dù quy tắc này rất dễ áp dụng nhưng để duy trì tính kỷ luật thì không phải ai cũng làm được nếu không thật sự hiểu được tầm quan trọng của quản lý vốn, quản trị rủi ro và thấy được ý nghĩa của con số 2 % này. Ngoài ra, quy tắc 2% còn có thể được sử dụng kết hợp với một số quy tắc quản lý vốn khác để hiệu quả được cao hơn như giới hạn rủi ro cho toàn bộ danh mục đầu tư ở mức 20% (đã được nhắc đến ở trên), bảo toàn một phần lợi nhuận hay dừng giao dịch để xem xét lại các chiến lược đầu tư khi mức thua lỗ đã vượt quá dự tính… Hãy thử áp dụng nhiều chiến lược quản lý vốn khác nhau để tìm ra chiến lược mang lại hiệu quả nhất đối với mình.
Nguồn: Kiến thức Forex
Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good.
Thank you for your sharing. I am worried that I lack creative ideas. It is your article that makes me full of hope. Thank you. But, I have a question, can you help me?